Cách chữa tắc tia sữa tại nhà như thế nào? Có những lưu ý gì khi bị tắc tia sữa? Ở bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn kinh nghiệm chữa tắc tia sữa của mình nhé!
Tình trạng tắc tia sữa thường xảy ra sau khi sinh một vài ngày, và có thể xảy ra trong suốt quá trình cho con bú.
Mình không phải là chuyên gia chữa tắc tia sữa, nhưng mình đã từng bị tắc tia sữa nhiều nên thành ra “có kinh nghiệm”
Dưới đây là những kinh nghiệm về cách chữa tắc tia sữa tại nhà của mình.
Lưu ý khi chữa tắc tia sữa
Nếu bạn thường xuyên bị tắc tia sữa thì khả năng rất cao là:
- Con bạn đang bú sai khớp ngậm (nếu bé bú mẹ trực tiếp)
- Bạn kích thích phản xạ xuống sữa chưa hiệu quả (nếu bạn hút sữa bằng máy)
- Size phễu hút không vừa với bạn, hoặc lực hút không phù hợp (nếu bạn hút sữa bằng máy)
- Bạn mặc áo ngực quá chật khiến đầu ti bị cọ sát hoặc tuyến sữa bị chèn ép gây tắc tia sữa
- Bạn ăn uống không đúng cách, ăn quá nhiều dầu mỡ, chất béo và thực phẩm không lành mạnh
Xem thêm:
Khớp Ngậm Đúng Là Gì – 6 Bước Để Tập Cho Bé Bú Đúng Khớp Ngậm
Phản Xạ Xuống Sữa Là Gì? 9 Cách Kích Thích Phản Xạ Xuống Sữa
Cách Đo Size Phễu Máy Hút Sữa
Các bạn lưu ý là:
- Không phải cứ có sữa mà vắt không ra là tắc tia sữa
- Không phải cứ có cục cứng trên ngực là chườm nóng
- Không phải ai tắc tia sữa cũng chữa tắc tia sữa giống nhau
- Cho dù là bạn tắc tia sữa kiểu gì, thì việc quan trọng nhất là lấy hết sữa tắc ra khỏi ngực càng sớm càng tốt (chỉ cần 1 vài cữ bú/hút/vắt đã có thể chữa tắc tia sữa chứ đừng để vài ngày, hay 1-2 tuần mới xử lý nhé)
- Cách tốt nhất để lấy sữa tắc ra khỏi bầu ngực là cho bé bú mẹ trực tiếp với khớp ngậm đúng hoặc vắt sữa bằng tay đúng kỹ thuật.
- Nếu bé bú mà không ra sữa có thể bé đang bú sai khớp ngậm
- Nếu bạn vắt tay mà không ra sữa là do kỹ thuật vắt tay chưa tốt
Xem thêm: Hướng dẫn vắt sữa mẹ bằng tay
Lưu ý khi chữa tắc tia sữa lúc mới sinh
Rất nhiều chị em phụ nữ chúng ta bị tắc tia sữa lúc mới sinh.
Nguyên nhân là do chúng ta hiểu lầm rằng sữa chưa về, nên không cho con bú.
Mặc dù sữa già chưa về, nhưng sữa non đã có sẵn trong bầu vú mẹ từ giữa thai kỳ.
Do đó, nếu mẹ không cho con bú thì sữa non sẽ ứ đọng trong bầu ngực và đông kết lại gây ra tình trạng tắc tia sữa.
Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt giữa tắc tia sữa và cương sữa sinh lý.
Cương sữa sinh lý là gì?
Cương sữa sinh lý là hiện tượng mà tất cả các mẹ đều phải trải qua.
Sau khoảng 2-3 ngày sau sinh (khoảng thời gian tương đối) sẽ có hiện tượng “cương sữa sinh lý” khi tuyến sữa chuyển tiếp sang sản xuất sữa già.
Cương sữa sinh lý không phải là tắc tia sữa, nên không cần lo lắng.
Lúc đó bạn cảm giác bầu vú cương cứng như muốn nổ tung, và nặng trĩu giống như là đeo đá.
Và bạn cảm tưởng khi mà vắt ra phải ra rất là nhiều sữa, nhưng mà thực tế khi bạn cố bóp thì lại ra rất ít, vẫn chỉ nhỏ giọt hoặc có một vài tia sữa bắn ra mà thôi.
Đó không phải là tắc tia sữa.
Đó là lúc cơ chế tạo sữa thay đổi và các hormone thay đổi, cương sữa sinh lý là thời điểm bắt đầu để các nang sữa nhận thật nhiều nước về và chuyển sản xuất từ sữa non thành sữa già.
Nếu bạn cứ cho con bú hoặc hút sữa bình thường thì sau một vài ngày hiện tượng này sẽ tự động chấm dứt.
Khi cương sữa sinh lý, chúng ta sẽ chườm lạnh để giảm đau, và mát xa ngược (mát xa từ đầu ti ngược lên), chứ không phải chườm nóng như lúc bị tắc tia sữa.
Cách chữa tắc tia sữa (tắc do sữa bị đông kết lại gây tắc nghẽn)
Khi bị tắc tia sữa, chúng ta sẽ chườm ấm (nóng) để làm tan phần sữa bị đông kết.
Với những mẹ mới sinh không cho con bú, cũng không hút sữa trong 3 ngày đầu sau sinh thì khả năng mẹ bị tắc tia sữa là rất cao.
Vì sữa non vẫn được sản xuất cho dù với lượng rất ít, nhưng mẹ không cho con bú, cũng không hút sữa dẫn tới lượng sữa này bị ứ đọng lại trong bầu ngực, đông kết lại và gây ra tình trạng tắc tia sữa.
Với những mẹ con bú lắt nhắt, bú sai khớp ngậm cũng có thể khiến sữa bị ứ động trong ngực mẹ lâu và gây tắc tia sữa.
Để chữa tắc tia sữa thì các bạn nhớ một điều là, tất cả mọi động tác xoa bóp đều phải nhẹ nhàng để không làm vỡ các nang sữa và không làm tổn thương bầu vú nhé.
Và chúng ta sẽ thông tia sữa bắt đầu từ phần đầu ti.
Thông đầu ti đầu tiên, sau đó hướng dần dần lên phía bầu ngực.
Cách chữa tắc tia sữa này chỉ áp dụng cho giai đoạn đầu, khi tình trạng tắc tia sữa chưa chuyển sang viêm tuyến vú và áp xe.
Khi đã bị viêm tuyến vú hoặc áp xe thì bạn nên đi khám để được điều trị kịp thời, hoặc nhờ tới sự trợ giúp của người có chuyên môn.
Dưới đây là cách thường dùng để chữa tắc tia sữa (do sữa bị ứ đọng lâu trong bầu ngực và đông kết lại gây tắc tia sữa):
Bước 1: Uống nước lá bồ công anh/lá đinh lăng/lá tía tô để thông tia sữa và tránh dẫn tới viêm tuyến vú/ áp xe
Bước 2: Làm sạch đầu ti
Bạn có thể:
- Dùng khăn sạch (có thể dùng khăn sữa của con) thấm nước và lau đầu ti
- Dùng móng tay hay tăm bông gẩy các cặn bẩn, hay các cặn sữa ở trên đầu ti
- Dùng tay miết nhẹ trên đầu ti
Mục đích là làm cho đầu ti thật sạch, để không còn bất cứ thứ gì có thể lấp đầu tia sữa nữa.
Các động tác nên nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương đầu ti.
Bước 3: Mát xa ngực và vê đầu ti
Chúng ta sẽ xoa bóp nhẹ nhàng bầu ngực, tuyệt đối không được làm mạnh tay để tránh bị vỡ các nang sữa và tổn thương bầu ngực.
Các bạn có thể cúi gập người 90 độ và dùng cả 2 tay để matxa 1 bên ngực.
Làm như vậy thì dưới tác dụng của trọng lực, sữa sẽ thoát ra ngoài dễ dàng hơn.
Sau đó, bạn dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ vê nhẹ đầu ti và phần quầng thâm xung quanh đầu ti cho mềm ra, kích thích xuống sữa.
Cách mát xa chữa tắc tia sữa:
Link video trên Youtube: https://youtu.be/oJp7jmd8aIk?t=33
Bạn cũng có thể áp dụng phương pháp mát xa 3 phút betibuti
Bước 4: Cho bé bú hoặc vắt sữa bằng tay, hút sữa bằng máy
Sau khi đã kích thích được phản xạ xuống sữa rồi thì bạn cần làm trống tuyến sữa ngay lập tức bằng cách cho bé bú, vắt sữa bằng tay hoặc hút sữa bằng máy.
Bé bú mẹ trực tiếp với khớp ngậm đúng là cách chữa tắc tia sữa nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Khi bé bú mẹ trực tiếp, bạn có thể bỏ qua bước mát xa và vê đầu ti để kích thích xuống sữa.
Và bạn nên thay đổi nhiều tư thế cho bé bú, tư thế cho bé bú nào mà lưỡi bé có thể mát xa đầu tia sữa có cục tắc sẽ giúp thông tia sữa nhanh nhất.
Xem thêm: Các Tư Thế Cho Bé Bú
Khớp Ngậm Đúng Là Gì – 6 Bước Để Tập Cho Bé Bú Đúng Khớp Ngậm
Bước 5: Sau khi bé bú xong/ hút sữa xong
Sau khi bé bú xong, hoặc sau khi kết thúc cữ hút mà trên ngực vẫn còn cục tắc, thì lại tiếp tục vê đầu ti, mát xa kích thích xuống sữa tiếp (có thể kết hợp chườm nóng ở vùng bị tắc nếu cần).
Sau khi đã kích thích xuống sữa rồi bạn sẽ vắt sữa bằng tay đúng kỹ thuật với vị trí tay đặt tương ứng với vị trí cục tắc (tức là tia sữa nào bị tắc thì mình sẽ tác động ở tia sữa đó).
Trong khi vắt sữa, bạn ấn nhẹ vào cục tắc để sữa tắc thoát ra ngoài dễ dàng hơn.
Đến khi vắt được hết sữa tắc ra ngoài là tia sữa đã được thông và bạn đã chữa tắc tia sữa thành công.
Mẹo chữa tắc tia sữa
Bạn cũng có thể dùng một số mẹo chữa tắc tia sữa như:
Chữa tắc tia sữa bằng lá mít
Chữa tắc tia sữa bằng lá bắp cải
Chữa tắc tia sữa bằng cách bôi Tinh dầu Cửa Sổ Vàng…
Nhưng về cơ bản, những mẹo dân gian này cũng giống như việc chườm nóng để giúp làm tan cục sữa bị đông kết.
Cách chữa tắc tia sữa (do đầu ti bị bít lại)
Do lúc mới sinh chúng ta ai cũng phải trải qua hiện tượng cương sữa sinh lý khiến cho nhiều mẹ nhầm lẫn và hoang mang, nên mình tách riêng ra 1 phần cho dễ hiểu.
Bản thân mình không phải là chuyên gia chữa tắc tia sữa, nhưng mình lại thường xuyên bị tắc tia sữa nên thành ra “có kinh nghiệm”.
Nguyên nhân mình bị tắc tia sữa là do mình đi làm phải mặc áo ngực, và ở công ty không có chỗ hút sữa, cộng thêm công việc quá bận, rất hay phải tăng ca buổi trưa, do đó nhiều khi căng sữa nhưng không có thời gian vắt sữa.
Khi ngực căng sữa thì kích thước ngực to hơn rất nhiều so với lúc sáng, khiến cho tia sữa bị chèn ép, đầu ti bị ép sát vào áo ngực và gây tắc tia sữa.
Thông thường, khi phát hiện ra bị tắc tia sữa thì mình sẽ làm như sau:
Đầu tiên, mình sẽ lấy 1 cốc nước thật ấm úp vào đầu ti để ngâm đầu ti khoảng 5-10 phút.
(Mình chỉ ngâm mỗi đầu ti, mà không chườm nóng cả bầu ngực là bởi vì khi tia sữa mới bị tắc thì sữa sẽ không thể đông kết ngay lại được, nên việc chườm nóng cả bầu ngực đối với mình là không cần thiết. Việc ngâm đầu ti vào nước ấm để làm mềm lớp da trên đầu ti sẽ quan trọng hơn)
Trong khi ngâm đầu ti, mình ấn nhẹ vào cục tắc (chỗ thấy đau) xem có tia sữa nào phóng ra trong nước không.
Bạn dùng cốc thủy tinh thì mới quan sát được nhé.
Nếu có tia sữa phóng ra thì đó chính là vị trí đầu tia sữa bị tắc, và mình tập trung thông đầu tia sữa trên đầu ti tại ví trí có tia sữa phóng ra.
Mình thường dùng 1 chiếc kim (cùn cùn một chút) để thông ở vị trí mình quan sát được (mình không khuyến khích bạn dùng kim nếu không hiểu rõ tình trạng của mình nhé, bạn có thể miết nhẹ trên đầu ti/dùng tăm bông/dùng móng tay để thông tia sữa).
Sau đó mình sẽ cho con bú/hút sữa ngay lập tức.
Đa số các lần là mình thông được luôn.
Nhiều lần mình không tìm ra vị trí đầu ti sữa bị tắc, nhưng do đã ngâm đầu ti vào nước ấm khiến đầu ti mềm ra nên mình cảm nhận được lớp da trên đầu ti bị bong ra khi con đang bú, khiến tia sữa được thông luôn.
Một số lần khi con bú xong thì tia sữa vẫn bị tắc.
Nếu sau khi bé bú xong, hoặc sau khi kết thúc cữ hút mà trên ngực vẫn còn cục tắc, mình lại tiếp tục ngâm đầu ti vào nước ấm 5-10 phút, sau đó dùng tay miết trên đầu ti để thông đầu ti.
Sau đó mình sẽ vắt sữa bằng tay với vị trí tay đặt tương ứng với vị trí cục tắc (tức là tia sữa nào bị tắc thì mình sẽ tác động ở tia sữa đó), hoặc hút sữa bằng máy.
Trong khi vắt sữa/hút sữa, mình ấn vào cục tắc để sữa tắc thoát ra ngoài dễ dàng hơn.
Mình lặp lại quy trình: ngâm đầu ti, thông tia sữa, và vắt sữa/hút sữa cho đến khi tia sữa được thông hoàn toàn.
Bởi vì nguyên nhân mình bị tắc tia sữa chủ yếu là do mặc áo ngực nhiều khi đi làm khiến đầu ti bị bít lại, nên cách chữa tắc tia sữa trong trường hợp của mình là chỉ cần thông được đầu tia sữa trên đầu ti là tia sữa cũng được thông luôn.
Nguyên nhân gây tắc tia sữa như thế nào thì cũng có cách chữa tắc tia sữa tương ứng.
Lưu ý
Đối với những bạn con bú sai khớp ngậm nên không rút sữa ra khỏi ngực mẹ hiệu quả, khiến sữa bị ứ đọng trong ngực mẹ lâu và đông kết lại, gây tắc tia sữa, thì việc chườm nóng (chườm ấm) là bước cần thiết để làm tan phần sữa bị đông kết.
Hoặc trong trường hợp không có cảm giác đau, khó chịu, nên khi phát hiện ra tắc tia sữa thì sữa đã bị đông kết hoặc đã chuyển sang viêm tuyến vú.
Lúc đó bạn cần uống lá bồ công anh/lá tía tô để phòng tránh dẫn tới áp xe.
Hy vọng là kinh nghiệm chữa tắc tia sữa này của mình sẽ giúp các bạn có thể tự chữa tắc tia sữa ngay tại nhà!
Groups chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc khi nuôi con sữa mẹ:
Hội Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ – NHÀN TÊNH
Thảo Duyên – Blog Con Mọn