Hiện nay hình thức mua vàng thực chất online đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi tính tiện lợi, nhanh chóng và an toàn mà nó mang lại. Đầu tư vàng cũng là một kênh đầu tư khá an toàn và mang lại lợi nhuận tối ưu cho nhà đầu tư dài hạn.
Các yếu tố ảnh hưởng tới giá vàng có: khủng hoảng, lạm phát, giá trị của đồng tiền dự trữ quốc tế, các ngân hàng TW, quy luật cung cầu, quỹ ETF vàng. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đã nhận định, “đầu tư vàng trong năm 2023 được xem là kênh trú ẩn nhưng cũng khá rủi ro vì giá vàng biến động rất mạnh”.
Đầu tư vàng là gì?
Trước hết, vàng là một dạng kim loại quý, có thể dùng để chế tác trang sức, làm quà tặng, trước khi khi tiền giấy còn chưa phổ biến, vàng chính là công cụ tiền tệ dùng để trao đổi giao dịch. Trong phong thủy, vàng tượng trưng cho quyền lực, sự giàu sang và thành đạt. Từ xưa đến nay vàng luôn là một sản phẩm tích lũy, một kênh đầu cơ đáng tin cậy mà ai cũng có thể đổ vốn. Bởi nó là tài sản không bị mất giá kể cả trong thời kỳ loạn lạc, lạm phát.
Biến động về giá vàng
Cuối giờ chiều nay, giá vàng miếng tại Doji được niêm yết ở mức 72,4 – 73,8 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 200.000 đồng/lượng (mua vào) và tăng 100.000 đồng/lượng (bán ra) so với đầu giờ sáng nay.
Trong khi đó, giá vàng tại SJC không đổi, được niêm yết ở mức 72,4 – 73,6 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Sau 1 ngày biến động lớn thì giá vàng hôm nay gần như không có sự thay đổi. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán lại rất lớn, lên tới 1,4 triệu đồng/lượng.
Đánh giá về mức chênh này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, 1,4 triệu đồng là quá lớn, thể hiện rằng nhà kinh doanh mua vào giá thấp nhưng lại bán ra với giá rất cao.
Rủi ro khi mua vàng
Chênh lệch quá lớn cũng thể hiện rằng bản thân các nhà kinh doanh đang cảm nhận được rủi ro lớn hơn và đẩy rủi ro đó sang người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây là thị trường tự do, các doanh nghiệp được tự quyết giá bán, Ngân hàng Nhà nước không áp giá trần, giá sàn.
“Chênh lệch giữa giá mua và bán cao như vậy, nhà kinh doanh mua vào giá thấp, bán ra với giá cao nên người mua đối diện nhiều rủi ro, chịu ảnh hưởng đến thị trường biến động. Chênh lệch càng lớn, rủi ro càng nhiều.
Theo tôi, giá mua vào và bán ra chênh khoảng 500.000 đồng/lượng trở xuống là chấp nhận được. Chênh lệch từ trên 500.000 đồng là rất rủi ro ”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hiếu, không chỉ chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra quá cao mà chênh lệch giữa giá vàng SJC và vàng thế giới cũng lên đến 14 triệu đồng/lượng.
Dự báo giá vàng thời gian tới
Dự báo giá vàng thời gian tới, ông Hiếu cho rằng, giá vàng đang chững lại nhưng vẫn trong xu hướng tăng vì vàng đang là kênh đầu tư hấp dẫn hơn nhiều kênh khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thị trường vàng luôn có nhiều biến động rất lớn và mang đến nhiều rủi ro, rủi ro ở thị trường trong nước thậm chí còn lớn hơn thị trường thế giới.
Vì vậy, theo ông Hiếu, đây là thời điểm nhà đầu tư có thể mua vào vàng. Tuy nhiên, mua cũng cần tuân theo nguyên tắc “không bỏ trứng vào một giỏ”. Nhà đầu tư chỉ nên dành 1/3 tiền của mình để mua vàng, đồng thời phải luôn theo dõi sát sao thị trường vàng trong nước cũng như thế giới, theo dõi hàng giờ, hàng ngày.
“Nhà đầu tư không nên lướt sóng với mong muốn lãi ngắn hạn. Lướt sóng là rất rủi ro. Nhà đầu tư nên giữ vàng trong khoảng thời gian ít nhất 6 tháng và tuyệt đối không được vay tiền mua vàng ”, ông Hiếu đưa ra lời khuyên.